“Điểm nổ” của bất động sản cao cấp
Nguồn cung lẫn thanh khoản bất động sản cao cấp đã tăng nhanh trong năm 2015 và đầu năm 2016. Thế nhưng, diễn biến này lại được đánh giá là “điểm nổ” của bất động sản cao cấp tại Việt Nam.
Dù nguồn cung không ngừng tăng, song bất động sản cao cấp vẫn còn dư địa phát triển lớn do tầng lớp trung lưu còn tăng mạnh
Nguồn cung chưa ngừng tăng…
Sau năm 2015 bùng nổ cả về nguồn cung lẫn thanh khoản, bước sang năm 2016, nguồn cung phân khúc bất động sản cao cấp vẫn chưa ngừng tăng.
Tại TP. HCM, hai “đại gia” Vingroup và Novaland, từng chiếm gần 50% giao dịch thành công trên thị trường năm 2015, vẫn đang tiếp tục chào bán hàng loạt dự án bất động sản cao cấp mới ra thị trường. Trong đó, chỉ riêng hai dự án Vinhomes Tân Cảng và Vinhomes Golden River Ba Son, cả chục nghìn căn đã được cung cấp ra thị trường. Ngoài ra, các nhà đầu tư khác như Keppel Land, Sơn Kim Land, Đại Quang Minh… cũng bung ra thị trường hàng nghìn sản phẩm bất động sản cao cấp.
Tại Hà Nội, bất chấp thị trường bất động sản sau Tết có dấu hiệu chững lại, phân khúc bất động sản cao cấp tiếp tục xu hướng dẫn dắt thị trường, do nguồn cung bất động sản giá rẻ (chủ yếu là căn hộ giá rẻ) hạn chế.
Khảo sát của ĐTCK cho thấy, trong số các dự án bất động sản đang mở bán trên thị trường Hà Nội hiện nay, dự án bất động sản cao cấp chiếm tỷ lệ áp đảo. Đáng chú ý, các dự án cao cấp đều là những tổ hợp, với số lượng đơn vị sản phẩm rất lớn.
Chẳng hạn, riêng giai đoạn 2 Vinhomes Park Hill, Vingroup đã cung cấp vài nghìn căn hộ cao cấp. Sau khi cơ bản hoàn tất việc hoàn thiện và bán hàng tại dự án này, Vingroup ngay lập tức triển khai dự án Vinhomes Gardenia.
“thị trường bất động sản Việt Nam đã chuyển từ một thị trường sơ khai thành một nơi để đầu tư” – Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam.
Dự án có quy mô trên 17ha này dự kiến tung ra thị trường khoảng 2.000 căn hộ cao cấp và hàng trăm biệt thự, nhà phố thương mại. Trong khi đó, các doanh nghiệp khác như TNR Holdings Việt Nam, Tân Hoàng Minh, GPInvest… cũng đang triển khai hàng loạt dự án bất động sản cao cấp và chào bán ra thị trường.
Một phân khúc sản phẩm khác thuộc phân khúc bất động sản cao cấp không thể không nhắc tới là biệt thự và căn hộ nghỉ dưỡng. Hiện phân khúc này cũng đang có dấu hiệu bùng nổ, với sự nhập cuộc của ngày càng nhiều đại gia.
Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, các ông lớn địa ốc trong nước như Vingroup, Sungroup, FLC Group, CEO Group… đã khởi công hàng chục dự án bất động sản nghỉ dưỡng, trải dài từ Bắc xuống Nam (Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Kiên Giang). Một số dự án đã được bán hết và đưa vào khai thác, trong khi nhiều dự án vẫn đang được mở bán, hoặc mới khởi công và sẽ chào thị trường trong thời gian tới.
… nhưng mới ở giai đoạn đầu của sự bùng nổ
Mặc dù bất động sản cao cấp đã có sự bùng nổ từ năm 2015, nhưng phân khúc này tại Việt Nam được đánh giá thuộc giai đoạn sơ khai của quá trình phát triển. Theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Soho Việt Nam, phân khúc bất động sản cao cấp, nhất là bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam còn khá sơ khai.
Ông Cần lấy ví dụ, tại một số nước trong khu vực, một sản phẩm bất động sản cao cấp có giá từ 5-7 triệu USD là bình thường, nhưng ở Việt Nam, giá chỉ trên dưới 1 triệu USD. Việc khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tăng nhanh, trong khi các dự án nghỉ dưỡng tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay cho thấy, khả năng bùng nổ của bất động sản nghỉ dưỡng và cả căn hộ cao cấp là rất lớn.
Báo cáo thị trường quý I/2016 của CBRE mới đây cũng đánh giá rất cao về khả năng bùng nổ của bất động sản cao cấp, khi nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng nhanh và hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ nhất từ trước tới nay.
Theo đánh giá của ông Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, “thị trường bất động sản Việt Nam đã chuyển từ một thị trường sơ khai thành một nơi để đầu tư”.
Trao đổi với ĐTCK mới đây, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, bất động sản cao cấp hiện nay vẫn đang cho thấy sự tăng trưởng và có thanh khoản tốt, dù nguồn cung rất lớn. Theo đó, Đất Xanh Miền Bắc đã thành lập một đội kinh doanh chuyên biệt với 90 nhân sự chỉ để bán các sản phẩn thuộc phân khúc này.
Theo ông Quyết, xu hướng chuyên nghiệp hóa trong bán bất động sản cao cấp cũng đang được nhiều đơn vị phân phối thực hiện để sẵn sàng đón nhận thời điểm thị trường bất động sản cao cấp bùng nổ thực sự.
Dẫn chứng cụ thể được ông Quyết ví dụ là Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Ngọc Việt, một đơn vị phân phối với hàng trăm nhân sự được thành lập chỉ để phân phối bán các bất động sản cao cấp và siêu cao cấp tại dự án bất động sản trong nước.