Dẹp “loạn” nhà cao cấp… tự phong!
Lãnh đạo Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) – Bộ Xây dựng cho biết, sắp tới Bộ sẽ hướng dẫn phân hạng nhà chung cư theo tiêu chí chất lượng nhà, hạ tầng, dịch vụ, với 3 hạng A, B, C, không có chung cư cao cấp, siêu cao cấp. Việc này sẽ góp phần dẹp “loạn” nhà cao cấp do các chủ đầu tư tự phong không có căn cứ cụ thể.
Nhà chung cư sẽ được phân loại theo 3 hạng A, B, C.
Không có chung cư cao cấp, siêu cao cấp
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường BĐS, trước khi có Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng đã có thông tư hướng dẫn phân hạng nhà nhưng không đi vào cuộc sống bởi nhiều lý do, như chưa sát thực tiễn, chủ đầu tư, doanh nghiệp (DN) không công nhận. Từ đó, chung cư được phân nhiều hạng khác nhau, theo cách gọi của chủ đầu tư, như hạng A, cao cấp, sinh thái… Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định, việc phân hạng chung cư là trách nhiệm của Nhà nước, thuộc thẩm quyền Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng.
“Trong tháng 5, Bộ Xây dựng sẽ ban hành quy định phân hạng chung cư. Theo đó, tiêu chí phân hạng kế thừa quy định cũ, tiêu chí chất lượng, hạ tầng, dịch vụ, với 3 hạng A, B, C. Sẽ không có chung cư cao cấp, siêu cao cấp. Định hướng phát triển đến năm 2020, việc đầu tư nhà chung cư sẽ là trọng tâm” – ông Khởi nói.
Đánh giá về giá trị sản phẩm BĐS, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Lê Khắc Hiệp cho rằng, BĐS không chỉ để ở mà còn phụ thuộc vào tiện ích sản phẩm, hạ tầng giao thông, chỗ vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện… được sàng lọc bởi khách hàng. Theo ông Trần Bá Dương, Tổng Giám đốc Công ty Đại Quang Minh, sản phẩm BĐS phải bảo đảm giá trị văn hóa, kiến trúc, đồng thời tuân thủ quy hoạch của Nhà nước. Chủ đầu tư cần song hành và chịu trách nhiệm chính, cùng nhà thầu tạo ra sản phẩm chất lượng.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, xu hướng ngày nay hướng tới những khu nhà ở có dịch vụ tốt, có tiêu chuẩn riêng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng phải lưu ý không thể tách rời khỏi đô thị. Có những dự án vị trí đắc địa, giá bán cao nhưng vị trí giao thông không thuận tiện, khó bán. Cùng với đó, thế giới đã hướng vào đô thị xanh, nhà ở thông minh và cả thành phố thông minh. “Chúng ta cần phân loại nhà ở với tiêu chí rõ ràng, thế nào là nhà hạng sang, hạng trung bình, nhà ở xã hội… Nhà ở là thực thể đô thị, phải gắn bó với hạ tầng, kết nối với dịch vụ công cộng, trường học, bệnh viện… Chủ đầu tư lựa chọn dự án phù hợp, bảo đảm tiêu chuẩn mình đã lựa chọn” – ông Chính nói.
Thị trường bất động sản lấy lại vị thế
Cũng theo ông Chính, diện tích nhà ở bình quân hiện nay là 20m2/người, trong tương lai sẽ tăng lên 30m2/người. Trong chiến lược phát triển, các khu đô thị sẽ chiếm tỷ lệ 35% diện tích và đến năm 2025 là 45%. Như vậy, cùng với nhu cầu nhà ở rất lớn, tiêu chuẩn nhà ở cũng phải phát triển tương đồng. Vấn đề hiện nay là thị trường BĐS tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong khi nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn rất thấp.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, trong bối cảnh thị trường như vậy, chính sách kinh tế của Nhà nước phải tạo thuận lợi cho thị trường BĐS phát triển, trở thành thị trường mang tính chất đầu kéo nền kinh tế. Thời gian qua, nhờ gói hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ đã phát triển nhanh, lan tỏa đến các phân khúc nhà ở khác. Thị trường BĐS lấy lại vị thế kênh đầu tư hấp dẫn. “Nếu quý IV-2014 trở về trước, thị trường BĐS xuống đáy khủng hoảng, thì từ quý I-2015 thị trường có tín hiệu khôi phục, tăng trưởng mạnh ở mức 70%-75%” – ông Nam cho biết.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nêu, từ những thay đổi về chính sách, năm 2015, phân khúc nhà ở xã hội đã trở thành phân khúc trọng yếu. Tuy nhiên, độ nóng của phân khúc này giảm dần, do chất lượng nhà còn thấp, cơ chế cho thuê nhà chưa phù hợp, một số dự án nhà ở thương mại lợi dụng chính sách, lách quy định để bán hàng. Từ bài học kinh nghiệm đó, ông Võ cho rằng, với tốc độ đô thị hóa nhanh, triển vọng phân khúc nhà ở trung bình là rất lớn. Điều cần làm lúc này là thu hút được nhiều kênh vốn đầu tư vào phân khúc này, như vốn tiết kiệm của người dân, vốn nhà đầu tư, vốn từ nước ngoài… Cùng với đó, lưu ý yếu tố tiện nghi, khi quá trình đô thị hóa tăng, tiện nghi cuộc sống cũng phát triển theo.
Đối với người nghèo, nhà ở cho thuê có tầm quan trọng đặc biệt nhưng chính sách đã có chưa đi vào cuộc sống. Người nghèo khu vực đô thị vẫn chưa tiếp cận được với nhà ở thuê. Tương tự nhà ở trung bình, nhà ở cho thuê cũng cần có tín dụng dài hạn, bởi hiện nay nhà đầu tư không mặn mà với loại nhà ở này vì lợi nhuận thấp, thu hồi vốn lâu.