Doanh nghiệp TP. HCM bắt tay gom quỹ đất
Trước tình trạng quỹ đất sạch tại TP.HCM đang hạn hẹp, những doanh nghiệp bất động sản “bắt tay” liên kết với nhau để phát triển dự án tái tạo nguồn cung mới cho thị trường bất động sản thành phố.
Thị trường bất động sản tại TP.HCM đang nóng bởi những cuộc bắt tay của các doanh nghiệp
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, quý I năm nay, có 5 dự án bất động sản được các chủ đầu tư chuyển nhượng, đã có những thương vụ góp vốn đình đám xuất hiện.
Vừa qua, An Gia Investment, Quỹ đầu tư Creed Group của Nhật Bản cùng Công ty Bất động sản Phát Đạt đã liên kết với nhau, người góp vốn, kẻ góp đất để thực hiện Dự án River City tại quận 7, với vốn lên tới 500 triệu USD. Dự án có tổng diện tích 11,25 ha, gồm 12 block chung cư với khoảng 8.000 căn hộ, office-tel và shop house; mật độ xây dựng chiếm 23,6%; diện tích căn hộ đa dạng, từ 47 – 122 m2. Trước đây, Công ty Phát Đạt không có vốn thực hiện nên đành để quỹ đất bỏ không.
Mới đây, thị trường bất động sản TP.HCM cũng “dậy sóng” khi hai nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu và Nishi Nippon Railroad đã mua lại 50% phần góp của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long trong Công ty ASPL – PLB – NL để phát triển dự án rộng 5,38 ha đất sinh thái tại khu vực phía Đông (quận 9) đang khá “hot” đối với giới đầu tư. Nhắc đến Nam Long, các đại gia BĐS cũng phải “nể mặt”, bởi công ty này hiện đang nắm trong tay một quỹ đất sạch khá “khủng”, lên đến 500 ha tại những vị trí tốt, phù hợp với quy hoạch và phát triển lâu dài của TP.HCM trong vòng 10 năm tới.
Trước đó không lâu, Khang Điền cũng đã mua hơn 32 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI), nâng tỷ lệ sở hữu lên 57,31% để mở đường cho chiến lược “bành trướng”, tăng quy mô quỹ đất tại nhiều vị trí đắc địa phía Tây Nam thành phố.
Giới quan sát thị trường bất động sản đánh giá, việc bắt tay giữa hai ông lớn này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh, làm đối trọng với các đối thủ khác trên thị trường. Khang Điền vốn đã được biết đến là một nhà phát triển dự án “làm mưa làm gió” ở khu vực phía Đông TP.HCM, nay lại kết hợp với một “ông trùm” về đất đai là BCI thì khó có nhà đầu tư bất động sản nào là đối thủ.
Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản cho biết, trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm, chủ đầu tư nào nắm nhiều đất sạch trong tay sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn. Với những doanh nghiệp không có được lợi thế này, thì việc hợp tác với đối tác để cùng chia sẻ lợi ích là một hướng đi đúng đắn, để đôi bên cùng có lợi.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận định, việc hợp tác để tận dụng thế mạnh của mỗi bên là xu hướng tất yếu của thị trường BĐS. Nếu một bên chỉ có quỹ đất mà không có các yếu tố khác như nguồn lực tài chính, kinh nghiệm quản trị, phát triển dự án… thì cũng khó có thể thành công. Ngược lại, muốn phát triển được dự án thì yếu tố quyết định đầu tiên chính là phải có nguồn lực tài chính dồi dào trong tay. Vì vậy, dự kiến trong thời gian tới, xu hướng này sẽ còn tiếp tục phát triển và lợi thế sẽ nằm trong tay của người đi trước đón đầu và sẵn sàng cùng nhau hợp tác.
Cũng theo ông Châu, thị trường này tại TP.HCM còn rất dồi dào và sẽ phát triển cực mạnh trong năm nay, khi có đến 137 dự án đang tạm ngưng thi công hoặc hết hạn công nhận chủ đầu tư, chiếm 11,2% tổng số dự án. Đây cũng là nguồn hàng hóa dự án tiềm năng cho thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A) mà các công ty trong và ngoài nước nhắm tới.
Theo ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, các nhà đầu tư ngoại e ngại nhất là vấn đề quỹ đất vướng đến bù, giải tỏa, nếu không đảm bảo được yếu tố “sạch”, họ sẽ rất khó đi đến quyết định rót vốn. Bởi vậy, khi có quỹ đất sạch, doanh nghiệp sẽ rất có cơ hội hợp tác phát triển dự án, vừa thu được lợi nhuận, vừa giải quyết được tình trạng dự án treo.
Tuy nhiên, ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc HimLam Land cho rằng, không phải dự án nào các doanh nghiệp bất động sản trong nước và nhà đầu tư ngoại cũng nhắm tới.
Hiện tại, cả thành phố có hàng trăm dự án nằm ở vị trí đẹp, chủ đầu tư đang xây dựng dở, nhưng vì lý do tài chính đành phải ngưng dự án. Nhưng các nhà đầu tư lại không hợp tác vì tính pháp lý và những đòi hỏi của các chủ đầu tư dự án đó đưa ra khá cao, khiến nhà đầu tư trong và ngoài nước không hào hứng.
“Đây chính là điểm yếu của thị trường này, cũng chính vì điều này mà thị trường sang nhượng hay bắt tay góp vốn trong thời gian qua vẫn chỉ là rải rác. Để mở rộng hơn những thương vụ này cho thị trường thông thoát, các bên cần mở rộng cửa chào đón và mỗi bên bớt một chút lợi ích sẽ tạo ra những thương vụ lớn, giúp cho thị trường những dự án và nguồn hàng dồi dào hơn”, ông Phúc nói.